Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2017 tiếp tục tăng trưởng trên 25%, trong đó có một số lĩnh vực tăng trưởng ngoạn mục là bán lẻ trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, du lịch và thanh toán.
Thông tin trên được đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) chia sẻ tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (VOBF) diễn ra sáng 14/3 ở Hà Nội.
Đây là sự kiện thường niên được Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) tổ chức lần đầu tiên năm 2017 và thu hút được sự quan tâm lớn của cộng đồng. Trong năm thứ hai được tổ chức, VOBF 2018 tiếp tục diễn ra tại 2 thành phố lớn là Hà Nội vào ngày 14/3 và thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 16/3.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2018, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số cho hay, trong những năm qua, tốc độ phát triển thương mại điện tử rất nhanh. Cụ thể, tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% - tốc độ tăng trưởng khá là nhanh kể cả so với thế giới. Đặc biệt số doanh nghiệp tham gia ngày càng nhiều, phát triển với tốc độ càng ngày càng nhanh.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số phát biểu khai mạc Diễn đàn.
|
Theo số liệu khảo sát của VECOM, lĩnh vực tăng trưởng ngoạn mục nhất là bán lẻ trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, du lịch và thanh toán. Chẳng hạn đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Khảo sát gián tiếp qua một số doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu cho thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200%.
Đối với lĩnh vực thanh toán, theo thông tin từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2017 tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa tăng khoảng 50% so với năm 2016 trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%.
Trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết có tốc độ tăng trương năm 2017 đạt từ 100% đến 200%.
Trong lĩnh vực du lịch, theo khảo sát của Grant Thornton, năm 2016 đặt phòng qua đại lý du lịch trực tuyến (OTA) chiếm tỷ lệ 20% doanh thu đặt phòng. Khảo sát năm 2017 của VECOM cho thấy tỷ lệ này tiếp tục tăng mạnh và đạt mức trên 30%. Nếu kết hợp với đà tăng hai chữ số của doanh thu du lịch có thể ước tính tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch trực tuyến trên 50%.
Tuy nhiên ông Hải cũng cho rằng tuy tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng nền tảng pháp lý nói chung của Việt Nam đối với TMĐT vẫn còn rất sơ sài, rất nhiều hoạt động vẫn chưa có cơ sở pháp lý để điều chỉnh. Đây cũng là thách thức đối với tất cả các nước khác chứ không chỉ Việt Nam, kể cả các nước đã phát triển về TMĐT. Chẳng hạn như nhiều nước ở Châu Âu, Mỹ thì pháp lý cũng chưa theo kịp tốc độ của TMĐT và kinh tế số. Ông Hải cũng hy vọng rằng, các chuyên gia tham dự diễn đàn sẽ cùng tập trung thảo luận, chia sẻ để nhà nước sớm có một hành lang pháp lý và môi trường đẩy mạnh hoạt động TMĐT Việt Nam.
Diễn đàn VOBF 2018 sẽ gồm có 4 phiên thảo luận về 4 chủ đề nổi bật. Trong đó, chủ yếu đề cập đến các nội dung nóng tại Việt Nam như: xu hướng phát triển của thương mại điện tử 2018, vấn đề quản lý thuế đối với thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ, công nghệ blockchain và tiền số, an toàn thông tin và bảo vệ thông tin cá nhân… Hay tác động của các công nghệ mới tới thương mại điện tử ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, cũng trong khuôn khổ Diễn đàn VOBF năm nay, VECOM đã công bố báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (E-business Index - EBI) 2018. Báo cáo này dựa trên khảo sát của hàng nghìn doanh nghiệp và được xây dựng trên bốn trụ cột là hạ tầng và nguồn nhân lực, giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và dịch vụ công trực tuyến (G2B). Các yếu tố liên quan tới tên miền Internet, thu nhập bình quân đầu người và số doanh nghiệp tại mỗi địa phương. EBI 2018 là nguồn thông tin hữu ích cho các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử ở Trung ương và địa phương cũng như đông đảo các tổ chức và doanh nghiệp.