Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng tỉnh Thái Nguyên đã làm tốt công tác phòng chống dịch, nên ngành công nghiệp vẫn là luôn là điểm thu hút của các doanh nghiệp đến đầu tư. Theo thống kế mới nhất, trong 6 tháng đầu năm 2020, thu hút đầu tư của tỉnh Thái Nguyên ước đạt con số 15,3 nghìn tỷ đồng. Vốn đầu tư của khu vực kinh tế trong nước ước đạt 9,8 nghìn tỷ đồng, trong đó, vốn của tư nhân và dân cư ước đạt 7,5 nghìn tỷ đồng. Toàn tỉnh đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 255 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là hơn 1,5 nghìn tỷ đồng.
Thu hút 8,2 tỷ USD từ khu vực FDI
Theo Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên Chu Văn Khanh, với vị trí địa lý thuận lợi, nhiều tiềm năng, những năm gần đây kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên phát triển mạnh mẽ. Ðến nay, riêng đối với cơ cấu công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm gần 90%, tổng thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 6.522 tỷ đồng. Đặc biệt, việc cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực, cùng cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, cho nên Thái Nguyên đã thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn ngoài ngân sách. Toàn tỉnh có 153 dự án FDI, trong đó có 118 dự án trong các khu công nghiệp được cấp phép đăng ký và còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt 8,2 tỷ USD.
Nhiều dự án có vốn đầu tư lớn như Samsung Thái Nguyên có tổng mức đầu tư gần 7 tỷ USD, dự án khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo có tổng mức đầu tư 1 tỷ USD đi vào hoạt động, đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh xuất khẩu lớn thứ tư cả nước. Hệ thống hạ tầng giao thông được cải thiện. Ðường Bắc Sơn kéo dài là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh được đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BT, dài 9,5 km, rộng 61 m với hệ thống hạ tầng đồng bộ có số vốn hơn 2.000 tỷ đồng do doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đầu tư kết nối với cao tốc Thái Nguyên - Hà Nội và TP Thái Nguyên với hồ Núi Cốc, dự kiến hoàn thành trong năm nay, góp phần rút ngắn thời gian, cũng như "đánh thức" tiềm năng của danh thắng này. Ðồng thời, tuyến đường sẽ là động lực thúc đẩy các dự án tâm linh, khách sạn, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, sân gôn đã được tỉnh Thái Nguyên phê duyệt chủ trương đầu tư vào khu vực hồ Núi Cốc, tạo thêm quỹ đất lớn để phát triển đô thị, dịch vụ nhất là du lịch vùng đặc sản chè Tân Cương phía tây TP Thái Nguyên.
Quyết liệt để bảo đảm đúng tiến độ
Tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư theo hướng khai thác tiềm năng, thế mạnh và thu hút lao động tại địa phương. Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức nhiều cuộc họp, ban Lãnh đạo tỉnh và các đơn vị liên quan luôn đồng hành, đối thoại và cùng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng cũng thường xuyên kiểm tra, rà soát và kiên quyết thu hồi giấy phép đối với những trường hợp không thực hiện đúng cam kết. Với chủ đầu tư không còn đủ năng lực thì tỉnh mời nhà đầu tư mới kết nối chuyển giao, không để dự án treo.
Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên Chu Văn Khanh
Ông Chu Văn Khanh chia sẻ, khó khăn nhất trong thực hiện dự án là giải phóng mặt bằng, không làm quyết liệt thì khó bảo đảm được tiến độ. Mỗi dự án có nhiều nhà đầu tư tham gia đấu thầu, nhưng lợi thế bao giờ cũng thuộc về doanh nghiệp có năng lực tài chính và uy tín. Đơn cử, sau thời gian ngắn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Công ty CP Tập đoàn Danko, chủ đầu tư của Danko City Thái Nguyên đã triển khai thi công nhiều hạng mục công trình cho dự án 50 ha này với khoảng 1.500 sản phẩm, bao gồm biệt thự, liền kề, shophouse, ngoài ra còn có quảng trường rộng 35.000 m2, tháp biểu tượng Victory cao 42 m, sân khấu nhạc nước, bến du thuyền, trung tâm thương mại, công viên cây xanh cảnh quan.
Hoặc như sau khi được trao chứng nhận đăng ký đầu tư tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018, Công ty CP Thương mại Thái Hưng khẩn trương triển khai Dự án Khu tổ hợp thương mại, trường học và nhà ở Gia Sàng với tổng vốn đầu hơn 2.000 tỷ đồng. Chỉ trong thời gian ngắn, chủ đầu tư tập trung nguồn lực, huy động trang thiết bị, biến khu đất rộng lớn bị ô nhiễm khói bụi, hoang vu thành trường liên cấp chất lượng cao, khu đô thị hiện đại. Từ năm học 2019 - 2020, doanh nghiệp này đưa trường tư thục phổ thông liên cấp đầu tiên đi vào hoạt động với cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy, học đồng bộ, hiện đại, phương pháp dạy học tiên tiến, tạo luồng sinh khí mới cho giáo dục phổ thông ở Thái Nguyên. Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Thái Hưng Nguyễn Thị Vinh cho biết, là doanh nghiêp chuyên sản xuất và kinh doanh thép xây dựng, nhận thấy cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều cải thiện, ổn định, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên cho nên doanh nghiệp quyết định đầu tư sang lĩnh vực đô thị, giáo dục và đã đạt những kết quả bước đầu.
Mặc dù thu hút được nguồn lực lớn đầu tư vào nhiều lĩnh vực, nhưng việc triển khai một số dự án gặp không ít vướng mắc, khó khăn như việc triển khai các dự án tại Thái Nguyên trên thực tế cần điều chỉnh các quy hoạch, trong đó có quy hoạch chung, quy hoạch ba loại rừng, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sân gôn, thủy điện và phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất... Mặt khác, một số doanh nghiệp lớn ký biên bản ghi nhớ đầu tư (chiếm khoảng 40% tổng số vốn cam kết đầu tư vào tỉnh tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018) nhưng đến nay chưa tích cực triển khai cũng cho thấy, để hấp thụ được nguồn vốn đầu tư lớn cần sự nỗ lực, quyết tâm không chỉ của tỉnh, doanh nghiệp, mà còn cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương.
Theo Người đại biểu Nhân dân