Nâng cấp cải tạo hệ thống giao thông, phát triển không gian đô thị khu vực sông Cầu, quy hoạch lại trung tâm hành chính… - những định hướng quy hoạch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang được thực hiện triệt để, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh để thu hút đầu tư, phát triển đô thị, KT-XH tỉnh nhà.
Nâng cấp, cải tạo tuyến quốc lộ 1B, quốc lộ 17, 37
Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch để phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Thái Nguyên đã tập trung triển khai và hoàn thành nhiều dự án giao thông trọng điểm, đem lại hiệu quả tích cực, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo quy hoạch trong những năm tới, các tuyến đường quốc lộ 17, 37 và quốc lộ 1B đều sẽ được nâng cấp, cải tạo để đáp ứng nhu cầu đi lại, phát triển của tỉnh. Đây là ba trong số những mạch đường quan trọng kết nối Thái Nguyên với các tỉnh lân cận.
Cải tạo, nâng cấp tuyến đường 17, 37 và QL1B, đoạn qua tỉnh Thái Nguyên
Đường quốc lộ 17, có chiều dài 10km, đi qua huyện Đồng Hỷ và phường Chùa Hang, TP.Thái Nguyên. Đường QL1B nối từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến Gia Bẩy (Thái Nguyên) dài 146km, từ Km0 - Km100 đã đầu tư cải tạo xong; tiếp tục cải tạo nâng cấp đoạn còn lại (Km100 - Km144+700), dự kiến được đưa vào trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 khi Chính phủ cân đối được nguồn vốn. Đối với đường QL37 đoạn từ Km139 - Km171 dài 33km, do bị xuống cấp nên Bộ GTVT đã giao Ban QLDA lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư để làm cơ sở đề xuất phương án đầu tư đoạn tuyến này tại Quyết định 1943 ngày 14/10/2019.
Việc nâng cấp, xây dựng mới những tuyến giao thông trọng điểm sẽ tạo sức đột phá trong phát triển hoạt động du lịch, kinh tế, xã hội, đưa Thái Nguyên trở thành điểm sáng của khu vực trung du, miền núi phía Bắc.
Phát triển không gian đô thị, lấy sông Cầu làm trung tâm
Quyết tâm xây dựng đô thị hai bờ sông Cầu, từ quý I/2019, TP.Thái Nguyên đã triển khai Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông. Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu tỉnh Thái Nguyên gồm nhiều dự án thành phần; trong đó, dự án số 8 xây dựng mới 4 cầu: Quang Vinh, Quang Vinh 2, Xuân Hòa, Huống Thượng và sửa chữa, nâng cấp cầu Gia Bẩy qua sông Cầu; dự án số 9 xây dựng cầu Bến Oánh qua sông Cầu và cầu Mo Linh qua suối Mo Linh đang được thiết kế bản vẽ thi công. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành trong thời gian 5 năm. Dự án hoàn thành, sông Cầu được nạo vét, chỉnh trang, hai bên bờ là các công trình hạ tầng hiện đại, đồng bộ, cảnh quan đẹp sẽ là điểm nhấn, tạo động lực cho TP Thái Nguyên thu hút khách du lịch, thu hút đầu xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ chất lượng cao, khu đô thị... Đặc biệt, không gian đô thị rộng lớn sẽ được mở ra, phát triển về phía đông sông Cầu để phục vụ phát triển trước mắt cũng như lâu dài.
Phát triển trung tâm hành chính – chính trị tập trung
Theo Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung tỉnh, TP.Thái Nguyên đến năm 2035, trong tương lai, Trung tâm hành chính - chính trị của Tỉnh sẽ được nghiên cứu chuyển đến vị trí thích hợp. Tỉnh Thái Nguyên xác định việc xây dựng Trung tâm hành chính tập trung là một xu hướng tất yếu phải hướng đến, nhằm hiện đại hóa nền hành chính công. Dự án sau khi được thực hiện đầu tư sẽ đảm bảo cơ hội để thành phố và tỉnh phát triển nhanh và toàn diện trong thời gian tới.
Quy hoạch chi tiết tầm nhìn tới năm 2035 KĐT Cao Ngạn, phường Chùa Hang, TP.Thái Nguyên
Với những điều chỉnh trong quy hoạch, Thái Nguyên sẽ là đô thị động lực, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội của toàn vùng Thủ đô Hà Nội và vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, đưa Thái Nguyên lên tầm cao mới, phát triển thịnh vượng, xứng đáng là “Thành phố sáng tạo bên sông”.