Không phải ngẫu nhiên Thái Nguyên được Samsung chọn mặt gửi vàng 6 năm trước cũng như đứng vị thế của tỉnh hàng đầu vùng về FDI, vốn đầu tư như ngày nay.
Cú hích mang tên Samsung
Dự án FDI đầu tiên đặt chân vào thành phố Thái Nguyên năm 1993, khi tỉnh còn chưa được tái lập. 20 năm sau, cái tên Thái Nguyên lần đầu ghi dấu ấn khi bất ngờ vượt những cái rốn hút vốn nước ngoài khác như Bình Dương, Thanh Hóa, Hải Phòng để vươn lên dẫn đầu cả nước.
Đến 2013, quyết định đầu tư của Samsung vào tỉnh tiếp tục tạo một cú hích mạnh mẽ cho kinh tế địa phương. Nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới ở huyện Yên Bình tạo ra việc làm cho gần 70.000 lao động địa phương trở thành hiện tượng FDI lúc bấy giờ. Và cho đến lúc này câu chuyện hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài của lãnh đạo Thái Nguyên vẫn khiến không ít người tò mò.
Sau 5 năm có sự hiện diện của Samsung, hoạt động xuất khẩu của Thái Nguyên đã tăng mạnh từ vài trăm triệu USD mỗi năm lên hàng chục tỷ USD, vào top các địa phương có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước.
Điểm nổi bật trong phát triển kinh tế ở tỉnh đó là sự chuyển dịch mạnh mẽ của cơ cấu kinh tế nhờ giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao trong 5 năm trở lại đây. Theo báo cáo 6 tháng năm 2019 của UBND tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương đạt 8,28% trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 9,85% cao hơn khu vực nông lâm nghiệp... Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 342.700 tỷ đồng tăng 10,2% so với cùng kỳ. Từ khi có Samsung địa phương có sức hút lớn với dòng vốn nước ngoài. Hiện tỉnh có 131 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đầu tư trên 7,29 tỷ USD của 9 quốc gia, trở thành một trong những địa phương thu hút FDI lớn và hiệu quả nhất các tỉnh miền núi phía Bắc.
Với những chuyên gia kinh tế, Thái Nguyên được xem là một điển hình cho kế hoạch thu hút FDI có chọn lọc. Samsung ngoài vốn, công nghệ, phương thức quản lý, tạo ra việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa cho một cách thức hợp tác giữa doanh nghiệp - địa phương để đôi bên cùng có lợi.
Hồi tháng 7 năm ngoái, trong hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh; Tổng giám đốc Samsung Việt Nam - Shim Won Hwan một lần nữa giải đáp những câu hỏi có từ năm 2013: Tại sao Samsung lại chọn Thái Nguyên?
Lãnh đạo Samsung cho biết khi cân nhắc địa điểm đầu tư, ấn tượng ban đầu mà doanh nghiệp này tiếp nhận không phải là những lợi thế hạ tầng kỹ thuật mà chính ở sự nhiệt huyết của lãnh đạo địa phương. Khi đó văn phòng Samsung đặt tại nhà máy Bắc Ninh. Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thường xuyên đến thăm và bày tỏ mong muốn thu hút đầu tư. Sự chân thành của họ đã bị thuyết phục được Samsung.
Với những doanh nghiệp toàn cầu quy mô lớn, cơ sở hạ tầng giao thông; lưu thông vận chuyển được ưu tiên hàng đầu. Thái Nguyên sở hữu vị trí thuận lợi chỉ cách sân bay quốc tế Nội Bài 50 km, cách biên giới Trung Quốc 200 km, cách trung tâm Hà Nội 80 km và cảng Hải Phòng 200 km. Tỉnh cũng là điểm nút giao thông quan trọng khi có hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông hình rẻ quạt kết nối với các tỉnh, thành trong khu vực. Những tuyến đường mở rộng, di chuyển dễ dàng thuận tiện cho các chuyên gia đi làm cũng như vận tải, logistic.
Nhờ chính sách cởi mở với FDI nhưng thu hút có chọn lọc, thu hút vốn FDI của tỉnh giai đoạn 2012 đến 2017 tăng khoảng 70 lần so với giai đoạn 1993-2012. Tăng trưởng kinh tế nhờ đó đạt tốc độ trung bình 12% những năm gần đây, cao hơn trung bình cả nước. Giá trị xuất khẩu hàng năm đạt con số hàng tỷ USD. Như năm 2017 giá trị xuất khẩu đạt hơn 25 tỷ USD, tăng 30% so với giá trị xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI năm 2016. Trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu của các doanh nghiệp FDI ước đạt 16,32 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 13 tỷ USD; nộp ngân sách Nhà nước 3.500 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 110.000 người lao động.
Điểm đến mới của nhiều ông lớn
Nằm ở vị trí chiến lược, Thái Nguyên vừa tiếp giáp Thủ đô ở phía Nam, vừa là cửa ngõ giao lưu kinh tế giữa đồng bằng Bắc bộ với vùng trung du miền núi, là tỉnh đầu tiên trong khu vực trung du Bắc bộ có hai thành phố. Tỉnh có hệ thống 7 trường đại học, cao đẳng, được đánh giá là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn thứ ba cả nước sau Hà Nội và TP HCM.
Với vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú, hạ tầng đồng bộ, chính quyền cởi mở, nhân lực sẵn có - những lợi thế này thời gian qua được tỉnh này tận dụng và phát huy một cách tối đa. Đó cũng là lý do để sau Samsung - lúc này nhắc đến Thái Nguyên như một thủ phủ công nghiệp mới thay vì xứ gang thép như trước.
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên, kể từ Hội nghị xúc tiến đầu tư tháng 7/2018 đến nay, tỉnh đã thu hút 62 dự án của 44 nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký khoảng 115.670 tỷ đồng. Tỉnh quyết định chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 28 dự án với tổng vốn hơn 1.636 tỷ đồng
Nhờ làn gió FDI từ nhiều năm một lượng lớn chuyên gia trong và ngoài nước đổ về địa phương. Theo thống kê chưa đầy đủ tỉnh hiện có khoảng 5.000 chuyên gia trong các ngành công nghệ cao, kỹ thuật từ nhiều địa phương và các quốc gia phát triển đến làm việc và sinh sống. Lượng cư dân nhập cư này ít nhiều kích thích tiêu dùng phát triển. Với sự xuất hiện của các trung tâm thương mại và các hạng mục trung tâm bán lẻ tại mỗi dự án... tất cả nhu cầu mua sắm, giải trí, thư giãn....của người dân đều được đáp ứng trọn ven. Thái Nguyên dần trở thành một đô thị sầm uất trong tương lai.
Theo Vnexpress