Đa số nhà đầu tư đánh giá, cuối năm là thời điểm thị trường bất động sản đã dần đi vào quỹ đạo ổn định, vì thế họ bắt đầu mạnh dạn hơn trong việc “xuống tiền” đầu tư.
Đất nền vùng ven vẫn là loại hình đầu tư đem lại biên độ lợi nhuận cao (Ảnh: Dự án Danko City đang trong giai đoạn GPMB)
Trong những ngày cuối tuần, theo chân một nhóm nhà đầu tư đi tìm hiểu đất nền ven Hà Nội. Anh Trung – một nhà đầu tư phân tích, đất nền vùng ven có những hấp lực mạnh mẽ riêng, mà không phải kênh đầu tư nào cũng có.
Kênh đầu tư an toàn
Thứ nhất, lợi nhuận tốt. Theo ông Trung, khách quan mà nói, đất nền vùng ven vẫn là loại hình đầu tư đem lại biên độ lợi nhuận cao hơn so với các phân khúc khác. Đặc biệt, tại những dự án có hạ tầng kết nối, tiện ích đồng bộ, thu hút được dân cư về sinh sống. Phân khúc này cũng thường sở hữu mức giá khá thấp, dễ tiếp cận dù vốn “mỏng”.
Thứ hai, thanh khoản cao, đây là phân khúc phù hợp với đa số nhà đầu tư trung hạn. Phần lớn chu kỳ đầu tư của họ thường kéo dài từ 1 - 2 năm. Vì thế, việc chào bán lại sản phẩm không mất nhiều thời gian và dễ dàng tìm được khách hàng mua lại.
Thứ ba, đất nền được xem là “của để dành” lý tưởng nhất. Đây luôn là phân khúc có nhu cầu lớn tại mọi thời điểm. Là tài sản có giá trị bảo toàn và gia tăng theo thời gian. Ngoài ra, phân khúc này còn được xem là kênh đầu tư an toàn, giúp bảo toàn vốn nhàn rỗi trước những biến động của thị trường. Đặc biệt, khi nguồn cung đất nền tại Hà Nội dần trở nên cạn kiệt, thị trường vùng ven càng có nhiều cơ hội tăng trưởng và khẳng định sức hút.
Lấy dẫn chứng từ Thái Nguyên - nơi nhóm nhà đầu tư đặt chân tới, anh Trung cho biết, Thái Nguyên luôn được biết đến là “điểm nóng” của thị trường đất nền phía Bắc, nhất là từ năm 2017 trở khi Samsung đầu tư mạnh vào khu vực này. Điều này kéo theo nhu cầu về nhà ở tăng lên nhanh chóng.
Theo thống kê, 3 năm trở lại đây giá đất tại TP Thái Nguyên không ngừng tăng, có thể kể đến đất thổ cư tăng giá từ 20%, tương đương 12 - 18 triệu đồng/m2, ở những trục đường lớn, khu vực trung tâm, mức giá đẩy lên đến 30 - 40 triệu đồng/m2.
Lợi thế lớn nhất khiến các nhà đầu tư không ngại “xuống tiền” ở Thái Nguyên bởi dư địa còn lớn, giá còn “mềm” so với các khu vực “vệ tinh” xung quanh Thủ đô Hà Nội.
Khảo sát của Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, tại TP Thái Nguyên, thống kê ghi nhận có tới gần 3.000 căn chung cư, gần 2.000 nền đất và khoảng 400 căn biệt thự liền kề được chào bán trong nửa đầu năm 2018. Con số này tăng gấp rưỡi ở 9 tháng đầu năm 2019 đến từ các chủ đầu tư như: Tập đoàn Tiến Bộ, Tổng công ty Tecco, Hồng Vũ, Kosy…
Hiện thị trường bất động sản tại đây đang rất nhộn nhịp và sôi động, sức tiêu thụ dòng sản phẩm đất nền tăng rõ rệt từ 20 – 30%, rất nhiều dự án vừa tung bán đã hết hàng.
Chọn mặt gửi vàng
Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên, hàng năm Samsung Thái Nguyên xuất khẩu khoảng 24 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 70.000 lao động tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận.
Sự phát triển của công nghiệp, thu hút hàng trăm nghìn lao động, chuyên gia đến làm việc đã tạo ra nhu cầu lớn về nhà ở, từ đó kéo theo hàng loạt doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản về Thái Nguyên để đầu tư dự án. Ngoài ra, sự phát triển của hệ thống hạ tầng kết nối với Hà Nội và các địa phương lân cận cũng tạo ra điều kiện thuận lợi cho thị trường bất động sản Thái Nguyên phát triển.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào Thái Nguyên mới đây, tỉnh đã thu hút được hơn 46.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án bất động sản như: Quần thể du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị FLC Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư 8.320 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng cam kết đầu tư 2.515 tỷ đồng cho Khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Thái Hưng Eco City.
Mới đây, Danko Group đã chính thức động thổ dự án Danko City với tổng vốn đầu tư trên 1.300 tỷ đồng, quy mô gần 1.600 sản phẩm biệt thự, liền kề, shophouse.
Theo bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc nghiên cứu CBRE Việt Nam, giá đất tại Hà Nội bị đẩy lên cao, tạo ra xu hướng dịch chuyển sang một số địa phương lân cận với giá “mềm” hơn, doanh nghiệp dễ phát triển dự án và các nhà đầu tư cũng dễ tiếp cận sản phẩm hơn vì giá bán chưa quá cao. Tuy nhiên, không phải thị trường nào cũng nóng mà sẽ có sự chọn lọc.
“Những địa phương nào có công nghiệp phát triển mạnh và hạ tầng xã hội tốt thì bất động sản càng có thanh khoản tốt, bởi nhu cầu nhà ở cho các chuyên gia nước ngoài và nhân sự cao cấp là lực đẩy tăng giá cho bất động sản” – bà An cho biết.
Tuy nhiên, bà An lưu ý để tránh rủi ro, người mua phải đặt vấn đề pháp lý dự án lên hàng đầu. Khi đầu tư vào các dự án nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ tính pháp lý, năng lực tài chính, uy tín của chủ đầu tư, quy hoạch của địa phương…
“Nếu nhà đầu tư chạy theo cơn sốt mà không nghiên cứu kỹ, rất dễ bị mắc kẹt, chôn vốn” – bà An cảnh báo.
Theo Diendandoanhnghiep