Một thực trạng dễ nhận thấy trên thị trường bất động sản Tp.HCM và Hà Nội năm 2019 đó là nguồn cung mới sụt giảm mạnh. Theo Sở Xây dựng Hà Nội nguồn cung BĐS năm 2019 chỉ bằng 40% số lượng của năm 2018. Còn tại TPHCM, HoREA cho biết trong 9 tháng qua chỉ có duy nhất 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%.
Nguyên nhân của tình trạng trên là bởi rất nhiều dự án BĐS nhà ở thương mại bị dừng hoặc ngừng triển khai xây dựng để rà soát lại pháp lý. Tình trạng này khiến cả doanh nghiệp lẫn người mua nhà gặp khó khăn do dự án ách tắc, thiếu nguồn cung, giá nhà bị đẩy lên cao và đang có sự "lệch pha" nguồn cung bất động sản cao cấp.
Trong năm 2019, dự án "ma" rầm rộ xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành, nhất là khu vực phía Nam như Bình Thuận, TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai... Cá biệt, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có tới 113 dự án “ma” là đất nông nghiệp do các hộ gia đình, cá nhân tự ý mở đường, phân lô bán trái phép. Nguyên nhân bùng phát được cho là hệ quả của tâm lý ưa chuộng đất nền và quy định của pháp luật có những lỏng lẻo nhất định.
Tháng 9/2019, cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam 3 anh em Nguyễn Thái Luyện - Nguyễn Thái Lĩnh - Nguyễn Thái Lực (cùng điều hành công ty Địa ốc Alibaba) trong vụ lừa đảo mua bán dự án "ma". Kết quả điều tra, trong vòng 2 năm Alibaba đã lừa đảo hơn 6.700 khách hàng với số tiền lên đến 2.500 tỉ đồng.
Sau Địa ốc Alibaba là hàng loạt công ty bất động sản bán dự án ma bị phanh phui như vụ Phạm Thị Tuyết Nhung (Giám đốc công ty Angel Lina) hay Trần Thị Hồng Hạnh (Giám đốc công ty Hoàng Kim Land) bị bắt và vụ Giám đốc Công ty địa ốc Hưng Thịnh Phát Nguyễn Hữu Kha (29 tuổi) bị công an phong tỏa tài khoản…Những vụ việc này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho những nhà đầu tư lao vào cơn sốt đất nền, mua đất đai bất chấp pháp lý dự án còn mờ mịt.
2019 là một năm ảm đạm và đáng buồn của Condotel khi thị trường chứng kiến cú “vỡ trận” của Cocobay Đà Nẵng – một trong những dự án condotel đình đám nhất vào cuối năm. Việc phá vỡ cam kết lợi nhuận 12% của chủ đầu tư Cocobay khiến giới đầu tư hoang mang, lo ngại về một viễn cảnh xấu có thể sẽ xảy ra tiếp theo ở nhiều dự án condotel khác mà trước đó đã rầm rộ mọc lên dọc bãi biển khắp cả nước.
Theo thống kê, lượng giao dịch condotel năm 2019 vào khoảng gần 3.000 căn, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt khoảng 25% nguồn cung. Nguồn: Hội môi giới BĐS Việt Nam
Trong khi đó, dòng tiền của các nhà đầu tư thứ cấp (người dân) lại hướng về thị trường tỉnh lẻ, trước bối cảnh thị trường đất nền tại các đô thị lớn bão hòa và không còn nhiều quỹ đất để phát triển dự án. Nhiều đại gia trong làng BĐS xuất hiện những tham vọng lớn với các dự án quy mô, kéo theo đó là hoạt động săn đất đầu tư khiến giá biến động tăng trưởng nóng ở một số khu vực lân cận của Hà Nội và Tp.HCM.
Ở thị trường phía Bắc phải kể đến các khu vực như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Mộc Châu, Cẩm Phả, Lạng Sơn … Tại miền Trung, cơn sốt đất nền 2019 chứng kiến rõ nét nhất tại Bình thuận hồi đầu năm và Thanh Hóa và Nghệ An đợt giữa năm với mức tăng từ 30-50% so với một năm trước đó. Thị trường BĐS phía Nam, từ đầu năm 2019 chứng kiến sự sôi động của các khu vực như Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai), Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước.. tăng từ 20-30% so với thời điểm đầu năm.
Một xu hướng rõ rệt của bất động sản du lịch năm 2019 đó là làn sóng đầu tư của các “ông lớn” địa ốc vào các vùng đất mới Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Vũng Tàu, Quảng Bình, Quy Nhơn và Quảng Ninh…Đây là những vùng đất này có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển du lịch, cũng như đang được đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông mạnh mẽ như sân bay Phan Thiết, sân bay Vân Đồn, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, đường ven biển Ninh Thuận,…
Những vùng đất mới có nhiều tiềm năng phát triển BĐS du lịch cùng với dòng tiền đầu tư từ các “ông lớn” địa ốc đang tạo nên cho thị trường BĐS một xu hướng đầu tư mới, đó là trào lưu sở hữu ngôi nhà thứ hai (second home). Xu hướng này đang phát triển sôi động khắp cả nước và được dự báo sẽ còn tăng mạnh trong những năm tiếp theo.
Năm 2019 cũng là năm chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của thị trường BĐS công nghiệp, bao gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho và logistics. Thị trường này ở Việt Nam đang đứng trước những cơ hội phát triển mạnh mẽ, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong xu hướng dịch chuyển đầu tư quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Quan sát trên thị trường thấy rõ xu nhà đầu tư không ngừng tìm kiếm các tài sản công nghiệp và hậu cần tại các tỉnh thuộc khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp gom quỹ đất đất thông qua liên doanh với các nhà phát triển công nghiệp địa phương hoặc mua lại quỹ đất và các BĐS đang hoạt động.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, lộ trình siết tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS bắt đầu từ năm 2019 với việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng cho vay trung, dài hạn từ 45% xuống 40%; tăng hệ số rủi ro từ 150% lên 200%. Những năm tiếp theo, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ tiếp tục giảm còn 35% vào năm 2020 và 30% ở năm kế tiếp, đồng thời nâng hệ số rủi ro của ngành này lên 250 - 300%.
Việc siết tín dụng BĐS đã ảnh hưởng đến không ít doanh nghiệp BĐS và thị trường với dự báo sẽ có nhiều khó khăn trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia phân tích, tín dụng BĐS cần tiếp tục được kiểm soát tốt hơn bởi thực tế là mức tăng trưởng tín dụng BĐS còn cao nữa nếu tính phần tín dụng BĐS nằm trong cho vay tiêu dùng.
Áp lực từ việc siết tín dụng của phía Ngân hàng Nhà nước cũng như trong bối cảnh yêu cầu về phát triển dự án đòi hỏi vốn lớn, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tìm vốn bằng cách phát hành trái phiếu. Cuộc chạy đua phát hành trái phiếu giữa các doanh nghiệp đang diễn ra khá mạnh mẽ với lãi suất đầy hấp dẫn cùng nhiều hình thức khác nhau. Báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất của SSI Retail Research cho thấy, lũy kế 10 tháng năm 2019 các doanh nghiệp bất động sản với tổng lượng phát hành 61.269 tỷ đồng, chiếm 34.3%.
Theo Cafef