Trong suốt nhiều năm qua, Thái Nguyên đã đạt mức tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển của thị trường BĐS.
Ngôi sao đang lên
Những năm gần đây, Thái Nguyên là địa phương được nhắc đến nhiều nhờ những tăng trưởng ấn tượng về thu hút FDI, kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách, tạo công ăn việc làm mới…
Giai đoạn 2015-2020, Thái Nguyên đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 11,1%/năm (gấp 1,5 lần GDP trung bình cả nước). GRDP bình quân đầu người tăng từ 51 triệu đồng/người năm 2015 lên 90 triệu đồng/người năm 2020 (tăng gấp 1,76 lần).
Theo bảng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2019 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa công bố, Thái Nguyên đứng vị trí 12/63 tỉnh, thành phố, tăng 6 bậc so với năm 2018.
Kinh tế phát triển nhanh, bền vững sẽ tạo đà cho BĐS
Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên, số dự án FDI cấp mới trong giai đoạn 2016-2020 của tỉnh đạt 17 dự án, với tổng vốn thu hút mới và tăng thêm trên 71 triệu USD. Đến nay, toàn tỉnh đã có 130 dự án FDI còn hiệu lực. Qua đó đã đóng góp vào số thu ngân sách của tỉnh trong giai đoạn 2016-2020 là 17,3 triệu USD, tăng 1,7 lần (so với năm 2015) và tạo việc làm cho trên 15 nghìn lao động. Trong 2 tháng đầu năm 2020, các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút 7 dự án FDI mới, với tổng số vốn đăng ký trên 23 triệu Đô la Mỹ.
Những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư BĐS lớn như Vin Group, FLC, TNR cũng đã đầu tư vào Thái Nguyên với số vốn từ 1.500 tỷ đồng đến gần 3.000 tỷ đồng …
Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hạ tầng, môi trường đầu tư kinh doanh Thái Nguyên có sự cải thiện tích cực trong những năm qua. Nhờ đó, bộ mặt Thái Nguyên dần thay đổi theo hướng hiện đại, mức sống người dân được nâng cao.
Động lực từ FDI đến lớp dân số mới…
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, Thái Nguyên đang có cơ hội thu hút đầu tư FDI cực lớn và đây sẽ là động lực thay đổi diện mạo của thị trường BĐS Thái Nguyên.
Với vị trí trung tâm của Trung Du – Đông Bắc Bộ, giáp Tây Bắc Bộ, Thái Nguyên là vành đai của khu vực Đông Bắc, được xác định là hành lang kinh tế phát triển Đông – Tây, nối Quảng Đông – Quảng Tây (Trung Quốc) về các cảng biển Việt Nam.
Vị trí trung tâm này giúp các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên hưởng lợi nhiều nhất trong xu hướng chuyển dịch nhà máy của các doanh nghiệp FDI.
Yếu tố thứ hai giúp Thái Nguyên bật nhanh trên đường đua thu hút FDI là sẵn có nền tảng 1 thành phố phát triển công nghiệp.
Trên cơ sở "vốn liếng" sẵn có này cùng đội ngũ công nhân kỹ thuật tay nghề cao, Thái Nguyên tập trung kêu gọi đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển các hệ thống hạ tầng công nghiệp. Điển hình là việc kêu gọi Samsung đầu tư nhà máy tại Thái Nguyên.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5/6 khu công nghiệp được đầu tư hạ tầng, tỷ lệ lấp đầy đạt 59,8%; 23/35 cụm công nghiệp được hình thành, tỷ lệ lấp đầy đạt 41,73%.
"Đây là động lực phát triển mạnh cho Thái Nguyên. Lực lượng lao động lớn được thu hút về đây để tham gia chuỗi quá trình phát triển công nghiệp tạo ra lao động mới, dân số mới: trẻ, trí thức, có trình độ, mang lại sự phát triển sôi động của thành phố. Diện mạo mới của thị trường BĐS Thái Nguyễn cũng bắt đầu từ đây", ông Nguyễn Văn Đính nhận định.
Mảnh ghép cho bất động sản Thái Nguyên đột phá
Các chuyên gia BĐS cũng cho rằng, số lượng đông đảo chuyên gia trong và ngoài nước, công nhân kỹ thuật tay nghề cao đến Thái Nguyên làm việc là những đối tượng có nhu cầu cao về nhà ở, dịch vụ, hạ tầng đô thị...
Diện mạo đô thị Thái Nguyên đang thay đổi từng ngày
Ông Nguyễn Văn Đính phân tích thêm, các công nhân, chuyên gia… đến làm việc tại Thái Nguyên sẽ thiết lập 1 làn sóng cư dân mới. Họ có nhu cầu về nhà ở, nhà thuê từ chất lượng đến cao cấp. Đơn cử, với đối tượng công nhân làm việc lâu dài tại Thái Nguyên, cùng với gia đình có nhu cầu bức thiết đối với các tổ hợp chung cư đa tiện ích, tích hợp vui chơi giải trí, phòng khám chất lượng cao.
Đối với chuyên gia nước ngoài, Thái Nguyên phải có các bất động sản đủ tiện ích quốc tế, với công thức sống tương tự điều kiện họ đang thụ hưởng tại đất nước của mình.
"Những dự án compound sẽ ngay lập tức đón đầu lớp cư dân mới, các chuyên gia nước ngoài. Chưa kể, sự xuất hiện của lớp cư dân mới với nhu cầu nhà ở, nhà cho thuê là những khu đô thị, tổ hợp mô hình compound chuẩn quốc tế sẽ tác động, thậm chí thay đổi thói quen chọn nơi sống của người dân Thái Nguyên", ông Đính nhấn mạnh.
Những khu đô thị, những quần thể chung cư mô hình compound đa tiện ích là mảnh ghép còn thiếu để tạo nên đột phá cho thị trường bất động sản Thái Nguyên giàu tiềm năng.
Các chuyên gia nhận định, việc xuất hiện các khu đô thị, quần thể chung cư mô hình compound đồng thời mang lại lợi ích lâu dài và đột phá cho các nhà đầu tư bất động sản.
"Thời điểm 2010, giá chung cư tại Thái Nguyên rất rẻ, chỉ khoảng dưới 10 triệu đồng/m2 và chủ yếu bán cho hộ công nhân thu nhập thấp. Đến khoảng năm 2017 – 2018, thị trường chung cư Thái nguyên xuất hiện thêm mô hình căn hộ - thương mại dịch vụ condotel. Giá mỗi m2 đã tăng lên đáng kể. Sự xuất hiện của các dự án compound cao cấp sẽ xác lập chuẩn sống mới theo xu hướng quốc tế tại Thái Nguyên, thu hút cả chuyên gia nước ngoài và người dân địa phương, vì thế, sẽ mang đến biên độ lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư", lãnh đạo Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định.
Theo Cafef