Bằng sự chủ động, sáng tạo, cởi mở, thân thiện với các nhà đầu tư, đặc biệt từ sau Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018, đến nay, nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế đã chọn Thái Nguyên là điểm đến, đưa Thái Nguyên trở thành một trong những điểm sáng trong thu hút đầu tư của cả nước.
Vị trí địa lý thuận lợi
Thái Nguyên là tỉnh trung du và miền núi phía Bắc được biết đến với nhiều tiềm năng và thế mạnh từ vị trí địa lý quan trọng trong vùng, Thái Nguyên tiếp giáp với thủ đô Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Tuyên Quang và Bắc Cạn. Cách Sân bay Quốc tế Nội Bài khoảng 50km, cảng Hải Phòng khoảng 160 km, là nút giao thông chung chuyển quan trọng trong vùng, có hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông hình rẻ quạt kết nối với các tỉnh thành trong khu vực. Theo các nhà đầu tư, việc sở hữu hệ thống giao thông, kết nối hạ tầng đồng bộ là nền tảng quan trọng hấp dẫn các nhà đầu tư.
Trung tâm thành phố Thái Nguyên nhìn từ trên cao
Không chỉ thuận lợi về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, Thái Nguyên còn có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư theo hướng khai thác tiềm năng, thế mạnh và thu hút lao động tại địa phương. Để làm được việc đó, những năm qua Thái Nguyên đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết thúc đẩy thu hút đầu tư. Điển hình như nghị quyết số 09/NQ-TU của Ban thường vụ tỉnh ủy về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Kế hoạch số 37/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhờ đó mà trong nhiều năm qua, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng cải thiện, chỉ số PCI tỉnh Thái Nguyên năm 2019 xếp thứ 12/63 tỉnh thành, tăng 6 bậc so với năm 2018. Nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế đã và đang chuyển hướng, lựa chọn tỉnh Thái Nguyên là điểm đến để đầu tư, hợp tác, phát triển sản xuất kinh doanh. Đặc biệt các doanh nghiệp lớn có năng lực về tài chính, uy tín trong và ngoài nước, mong muốn đầu tư lâu dài tại tỉnh Thái Nguyên, điển hình như Công ty cổ phần tập đoàn T&T, Công ty Cổ phần đầu tư Danko; Công ty cổ phần tập đoàn FLC; Công ty CP đầu tư và thương mại TNG; Công ty Cổ phần Plamingo… Cũng nhờ tích cực cải cách hành chính, chính sách đầu tư ưu đãi, cùng cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, Thái Nguyên đã thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn ngoài ngân sách, trở thành địa phương thu hút FDI lớn và hiệu quả nhất các tỉnh phía Bắc, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt hơn 14%, vốn đăng ký FDI lên đến 7,64 tỷ USD. Với những con số này, Thái Nguyên đang phát huy vai trò là một trong những điểm đến hấp dẫn, tin cậy cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong những năm gần đây.
Tiếp tục thu hút các nhà đầu tư từ sau hội nghị xúc tiến đầu tư 2018
Trao đổi với phóng viên Việt Nam hội nhập, Ông Phạm Duy Hùng, giám đốc Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Thái Nguyên cho biết: Từ sau hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018, đến nay Thái Nguyên đã có thêm 41 nhà đầu tư đang triển khai 54 dự án, tập trung vào 6 lĩnh vực, trong đó có 15 dự án lĩnh vực công nghiệp; 3 dự án nông nghiệp; 13 dự án thương mại, dịch vụ, du lịch; 15 dự án hạ tầng, đô thị và giao thông; 4 dự án y tế, giáo dục, công nghệ, thông tin và 4 dự án về vệ sinh môi trường với tổng số vốn đầu tư đăng ký lên đến 109.911 tỷ đồng.
Để triển khai các nội dung đã thống nhất ký kết với nhà đầu tư cũng như tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, khẳng định sự quyết tâm giữa tỉnh Thái Nguyên với các nhà đầu tư trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đã đăng ký. Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ triển khai các dự án đầu tư, đã thường xuyên chủ động yêu cầu các Sở, Ban, Ngành địa phương tạo điều kiện nhanh nhất giải quyết các thủ tục hành chính theo quy định, đồng thời đôn đốc, phối hợp với nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình cấp có phẩm quyền xem xét quyết định theo đúng quy định của pháp luật.
Lãnh đạo Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Thái Nguyên kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm
Chính nhờ sự chủ động ấy mà đến nay đã có 52% tổng số dự án đăng ký sau hội nghị xúc tiến đầu tư đã hoàn thành thủ tục về đầu tư như: Quyết định chủ trương đầu tư; giấy chứng nhận đầu tư; quyết định giao chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp; quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu với tổng số vốn đầu tư đăng ký của 28/54 dự án là 17.487 tỷ đồng bằng 15,9% tổng số vốn đăng ký đầu tư. Còn lại 26/54 dự án, chiếm 48% tổng số dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục về đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký lên đến 92.424 tỷ đồng. Đến hết tháng 4/2020 tổng kinh phí nhà đầu tư thực hiện giải ngân đạt khoảng 5.130 tỷ đồng, chủ yếu tập trung tại 28 dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư, bằng 29% tổng số vốn đầu tư các dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư.
Từ những kết quả đạt được sau hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018 đã và đang tạo thêm động lực mới, sự lan tỏa, môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, thu hút nhiều nhà đầu tư đến nghiên cứu, đề xuất dự án đầu tư tại tỉnh Thái Nguyên. Ngoài 54 dự án đã được ký kết còn có 23 dự án mới liên quan đến khu đô thị, điểm dân cư nông thôn đã được ban hành quyết định phê duyệt, lựa chọn nhà đầu tư với tổng kinh phí khoảng 5.000 tỷ đồng, diện tích đất thực hiện 218ha và 9 dự án mới đang thực hiện các bước đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư với tổng kinh phí 2.132 tỷ đồng, diện tích đất thực hiện 69,66 ha, trong đó Ủy ban nhân dân tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho13 dự án với tổng số vốn đầu tư 818 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng 99,56 ha, đồng thời cấp giấy chứng nhận đầu tư 8 dự án FDI tổng số vốn đầu tư 27,388 triệu USD.
Phát biểu tại Hội nghị làm việc với Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên, Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, ủy viên BCH trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Sự cần thiết trong mở rộng quy hoạch các KCN, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cần tập trung khai thác tối đa tiềm năng, diện tích mặt bằng đã được giải phóng tại các KCN đã có để thu hút đầu tư, tránh lãng phí và giảm áp lực cho đầu tư công. Ngoài ra, cần phải chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua cải cách thủ tục hành chính, thu hút, lựa chọn được các nhà đầu tư có uy tín, năng lực...
Với tiềm năng thế mạnh đã có cùng với các cơ chế thu hút đầu tư thông thoáng, cởi mở, tin tưởng rằng, thời gian tới sẽ còn có nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến với Thái Nguyên. Đó chính là nền tảng vững chắc để Thái Nguyên không những khẳng định là một trong những điểm sáng trong thu hút đầu tư của cả nước mà còn tạo tiền đề để Thái Nguyên thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong những năm tiếp theo, góp phần đưa Thái Nguyên trở thành một trong những vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước hiện nay.
Theo Việt Nam hội nhập