Năm 2018 đánh dấu một chặng đường 10 năm kể từ khi suy thoái của thị trường bất động sản và gần 5 năm của thị trường trên đà hồi phục. Với các chính sách tiền tệ dự kiến sẽ duy trì trung lập để hỗ trợ tăng trưởng, khi những dòng vốn FDI hàng trăm triệu USD sẵn sàng đổ vào, dự kiến thị trường bất động sản sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Các chủ đầu tư đến từ Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc đặc biệt chú trọng vào các khu vực trung tâm thành phố hoặc những quỹ đất có vị trí gần tuyến metro. Các chủ đầu tư Việt Nam thường hợp tác dưới hình thức liên doanh với các chủ đầu tư nước ngoài để tối ưu hóa quá trình tìm kiếm vị trí dự án đầu tư và quản lý dự án.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung trong năm 2018, kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 6,6 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Hoạt động mua bán –sáp nhập (M&A) và đầu tư trực tiếp sẽ tiếp tục đón nhận những kỷ lục mới. Bên cạnh phân khúc nhà ở, các tài sản công nghiệp và hậu cần tiếp tục là phân khúc có sức hút mạnh mẽ do việc thiếu hụt các khu nhà máy kỹ thuật cao, không gian kho vận hậu cần hiện đại và nhu cầu mạnh mẽ từ khách thuê nước ngoài...
Theo xu hướng này, có rất nhiều nhà đầu tư đang cân nhắc và sẵn sàng tham gia liên doanh, góp vốn với các chủ đầu tư Việt Nam có uy tín tốt. Lợi thế của các chủ đầu tư trong nước là sự thông hiểu thị trường, hệ thống hành lang pháp lý, danh mục các bất động sản đã được xác lập, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực về vốn và kinh nghiệm phát triển dự án, kinh nghiệm quản trị sẽ làm gia tăng giá trị dự án.
Ngoài ra, dòng kiều hối là một lực đẩy khác. Nguồn kiều hối tăng mạnh trong năm 2018, dự kiến cả nước sẽ đạt khoảng 15,9 tỷ USD. Tp.HCM thường chiếm khoảng phân nửa lượng kiều hối cả nước, trong đó, thường có khoảng 21% đầu tư vào thị trường bất động sản.
Dòng vốn ngoại tiếp tục tăng
Ông Tomaso Andreatta, Chủ tịch Vietnam Business Forum (VBF) đánh giá còn nhiều cơ hội đầu tư bất động sản ở Việt Nam, đặc biệt là các phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình. Chuyên gia này phân tích, nền kinh tế 90 triệu dân của Việt Nam đang có sự phát triển nhanh chóng.
Điều này thể hiện qua thị trường đang diễn biến sôi động trong những năm qua, lượng dự trữ trong dân tăng, tạo động lực khiến họ muốn đầu tư vào đất đai nhà cửa. So với các phân khúc khác, nhà ở thuộc thị phần trung bình vẫn còn nhiều cơ hội phát triển trong dài hạn.
Bà Trần Thị Thu Thuỷ, Phó Tổng giám đốc, phụ trách mảng tài chính Tập đoàn Danko nhận định, trong bối cảnh việc huy động vốn trong nước ngày càng khó khăn, việc các DN nước ngoài đầu tư mạnh vào thị trường BĐS trong nước sẽ tạo nên một làn gió mới cho thị trường, giúp thị trường sôi động và đa dạng hơn. Do vậy, các DN bất động sản trong nước cần chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện cần thiết, trong đó có việc nâng cao năng lực quản trị để có thể đón nhận và hấp thụ hiệu quả tốt nhất dòng vốn này. Ở một khía cạnh khác, các DN cũng phải có chuẩn bị tốt để có thể cạnh tranh và vượt qua thách thức đến từ dòng vốn này.
Bà Trần Thị Thu Thủy – Phó Tổng Giám đốc Danko Group
Cùng với những thay đổi về chính sách thu hút đầu tư, sự phục hồi của nền kinh tế, chi phí BĐS tương đối thấp và lợi nhuận cho thuê cao, làn sóng đầu tư nước ngoài sẽ còn mạnh hơn trong thời gian tới.
Việc các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào thị trường bất động sản là cơ hội giúp các chủ đầu tư trong nước huy động vốn trong bối cảnh tín dụng bất động sản không thuận lợi, lãi suất tăng như hiện nay, đồng thời làm gia tăng sự cạnh tranh trên thị trường và thúc đẩy sự chuyên nghiệp hóa của các doanh nghiệp bất động sản trong nước.
Theo Nguoihanoi