Theo đó, dịch bệnh mang đến những tác động khác nhau ở mỗi phân khúc thị trường. Chẳng hạn, bất động sản công nghiệp được dự báo sẽ tăng trưởng do chiến lược đa dạng hóa cơ sở sản xuất tới các khu vực khác ngoài Trung Quốc, trong khi bán lẻ và du lịch đối diện với nguy cơ sụt giảm. Về dài hạn, nếu thành công trong việc khống chế và kiểm soát dịch bệnh, bất động sản Việt Nam có cơ hội đón đầu luồng khách du lịch cũng như nguồn vốn đầu tư lớn từ các nước.
"Ngành du lịch sẽ được hưởng lợi rất lớn từ vị thế của một điểm đến thân thiện, an toàn. Sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư trong khu vực sẽ dành lợi thế cho Việt Nam và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng", ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc bộ phận Tư vấn Savills Việt Nam cho biết.
"
"Bất động sản Việt Nam có cơ hội lớn nếu kiểm soát dịch bệnh thành công."
Trong một báo cáo mang tên "Sự bùng phát của virus corona tác động thế nào đến bất động sản Canada", Mạng lưới Đầu tư Bất động sản (The Real Estate Investment Network - nền tảng giao dịch của hơn 39.300 bất động sản trị giá 5,1 tỷ USD tại Canada) đưa ra "Công thức thành công bất động sản dài hạn". Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường bất động sản trong khoảng thời gian 18 tháng.
"Đây là cơ hội mua cho những nhà đầu tư, với khả năng tăng giá khả quan trên thị trường cho thuê và nhà ở", ông Jennifer Hunt - Phó chủ tịch phụ trách mảng Nghiên cứu Mạng lưới Đầu tư Bất động sản Canada đánh giá.
Theo kịch bản kém lạc quan nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP của cả nước trong năm nay chỉ tăng 5,96%, giảm hơn 0,8% so với mục tiêu đề ra và thấp nhất trong 7 năm gần đây. Ngay cả trong trường hợp đó, tăng trưởng của Việt Nam vẫn nằm trong top đầu khu vực và triển vọng có sự hỗ trợ lớn từ các yếu tố vĩ mô khác như lạm phát thấp, FDI tăng trưởng kỷ lục, nhiều hiệp định thương mại tư do mới được ký kết, hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung...
Bên cạnh đó, nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam đã tạo ấn tượng tốt trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Một khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho thấy, 44% nhà đầu tư Đức cho rằng phản ứng của Chính phủ Việt Nam kịp thời và có hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp của họ trong việc hạn chế tối đa những tác động tiêu cực tới tình hình kinh doanh và sức khỏe của các nhân viên.
Điều đó cho thấy, thị trường bất động sản trong nước vẫn có triển vọng nhờ GDP tăng trưởng cao và sự tin tưởng của nhà đầu tư quốc tế. Trong bối cảnh này, những nhà đầu tư đủ tự tin kiểm soát tài sản và tiềm lực tài chính, sẽ có cơ hội tốt để tiếp cận với nguồn cung dồi dào và giá tốt hơn.
Cơ hội cho các dự án xanh
Trong bối cảnh những tác động từ đại dịch Covid-2019 lên thị trường bất động sản chưa rõ nét, ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, bất động sản nhà ở vẫn là nhu cầu thiết yếu. Đại dịch này là cơ hội cho các đơn vị phát triển dự án tự nhìn lại chiến lược kinh doanh và tái cấu trúc sản phẩm, để thích ứng với những biến động có thể xảy ra.
Các không gian đô thị sinh thái, chất lượng hướng đến việc chăm sóc và tăng cường sức khỏe cho cư dân được kỳ vọng phát triển hơn. Đây là mô hình vốn không xa lạ tại Việt Nam, nhưng chưa thật sự khởi sắc.
"Sau đại dịch này, thị trường sẽ có những dự án chú trọng hơn vào chất lượng sản phẩm nhà ở và không gian sống nhằm đảm bảo sức khỏe cho cư dân, trong bối cảnh mọi người rất lo ngại thời gian qua", ông Khương nói.
"Các dự án thiết kế hài hòa thiên nhiên và chú trọng sức khỏe cho cư dân được kỳ vọng phát triển."
Thời gian qua, các khái niệm về không gian sống xanh hay sinh thái bắt đầu được các chủ đầu tư quan tâm và chú trọng phát triển. Sau đại dịch, nhu cầu của khách hàng sẽ ngày càng tập trung vào các sản phẩm, tiện ích nâng cao sức khỏe, đó sẽ là một động lực quan trọng khiến các nhà phát triển dự án xây dựng những không gian sống xanh đích thực.
Theo Vnexpress Kinh doanh