TS. Nguyễn Minh Phong: Chúng ta đã biết và nhắc tới nhiều thông điệp: Không ai giải cứu ai mà doanh nghiệp phải tự cứu chính mình và thị trường. Chúng ta sẽ tiếp tục chủ đề ngày hôm nay là: Hoàn thiện thể chế thị trường bất động sản hướng tới phát triển bền vững.
Xin hỏi ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, xin ông cho biết trọng tâm chính sách để phục hồi thị trường bất động sản hiện nay?

Ông Nguyễn Văn Đính: Những trọng tâm chính sách như các chuyên gia trước đã trình bày, đó là chủ yếu đến từ cơ chế pháp lý. Tôi đồng ý với quan điểm này và xin đưa ra mấy vấn đề trọng tâm trong chính sách:
Thứ nhất, đối với Nhà nước, tại thời điểm này cần có những quy định cụ thể để triển khai gói 120.000 tỷ đồng mà ngân hàng vừa công bố. Đây là liều thuốc bổ có giá trị đối với thị trường. Nhưng cũng cần quy định rất cụ thể, trong đó quy định rõ đối tượng những nhóm được tiếp cận nguồn vốn này.
Chúng tôi đề xuất, ngoài những nhóm đối tượng phát triển nhà ở xã hội, giá rẻ, bình dân thì cũng cần lưu ý những dự án bất động sản đang ở giai đoạn gần hoàn thành nhưng chỉ vì thiếu vốn nên tắc nghẽn thì cũng cần quan tâm, kể cả là dự án nhà ở cao cấp, trung cấp. Nếu được giải tỏa, chúng ta sẽ kích thích được nguồn cung trên thị trường, sẽ mang lại ý nghĩa và giá trị nhất định.
Thứ hai, chúng ta phải có quy định, thông tư hướng dẫn cụ thể, đây là việc trọng tâm cần thực thi, với cơ quan chủ chốt là Bộ Tài chính.
Thứ ba, Nhà nước cần sớm ban hành các quy định để tháo gỡ cho phân khúc nhà ở xã hội. Hiện nay Chính phủ đang vận động nhiều doanh nghiệp đăng ký, nhưng chúng tôi đánh giá vẫn còn nhiều rào cản vướng mắc trong các quy định, đặc biệt là các quy định pháp luật. Để thúc đẩy được loại hình này, rất cần những chính sách cụ thể nhằm tháo gỡ, nhất là về thủ tục hành chính pháp lý.
Thứ tư, Tổ công tác đặc biệt cũng chia sẻ đang gấp rút trình Chính phủ những chương trình tháo gỡ. Chúng tôi cho rằng, càng sớm ban hành càng tốt để tháo gỡ những điểm nghẽn hiện tại cho các dự án cơ bản hoàn thành thủ tục đã đền bù giải phóng mặt bằng, tức là có đất sạch và cơ bản đã hoàn thành nhưng vẫn còn một chút vướng mắc như cấp phép hay các quy định khác khác, đặc biệt là nghĩa vụ tài chính.
Hiện nay, nhiều dự án chỉ chờ phê duyệt nghĩa vụ tài chính là có thể khởi công ngay. Đây là một trong những vấn đề đang rất khó khăn mà các địa phương cần xử lý tháo gỡ để kích hoạt nguồn cung, cùng với các hoạt động kinh tế thông qua các dự án bất động sản được khởi công xây dựng hay mở bán.
Thứ năm, trong giai đoạn vừa rồi, nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng tiếp tục triển khai dự án, nên nhu cầu M&A chuyển giao dự án trong giai đoạn này rất lớn. Tuy nhiên, rất vướng về quy định M&A, đề nghị Tổ công tác tháo gỡ cho hoạt động chuyển nhượng từ các chủ đầu tư không đủ năng lực triển khai thực hiện.
Về dài hạn, Chính phủ cần thúc đẩy tiến trình sửa đổi các bộ luật, ngoài Luật Đất đai, còn có Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, thúc đẩy chỉnh sửa đúng tiến độ và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Đối với doanh nghiệp, cần có các phương án tái cấu trúc cho phù hợp với nền kinh tế và nguồn lực của doanh nghiệp. Đồng thời cấu trúc lại dòng sản phẩm để dễ hấp thụ với thị trường, nhằm có dòng tiền để doanh nghiệp khởi động trở lại.
Ngoài ra, doanh nghiệp nên đưa nhà ở xã hội vào chiến lược kinh doanh của mình, kể cả doanh nghiệp lớn chuyên về phát triển nhà ở cao cấp. Chúng tôi cho rằng đây là sản phẩm tạo ra sự bền vững, ổn định dài hơn đối với doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cần xây dựng các phương án trả nợ, phát hành, đặc biệt là lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư.
Cuối cùng, chúng tôi cam kết là cơ quan đồng hành với Quốc hội, Chính phủ, bộ ngành trong việc góp ý, để quy định pháp luật phù hợp hơn với thực tiễn. Mong Quốc hội tiếp tục nắm bắt, điều chỉnh luật pháp phù hợp hơn.
TS. Nguyễn Minh Phong: Trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp hết sức cụ thể của TS. Nguyễn Văn Đính. Sau đây xin mời TS. Vũ Đình Ánh chia sẻ quan điểm về tín dụng cho bất động sản và những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường hiện nay.

TS. Vũ Đình Ánh: Trước hết, tôi xin gửi lời chúc mừng tới các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện nay. Các anh, chị đã vượt qua những khó khăn của thị trường để đạt được những giải thưởng.
Thứ hai, tôi chúc mừng các anh, chị đã có được một Hiệp hội mà tôi đánh giá rất cao, không chỉ đồng hành cùng chúng ta lúc thuận lợi mà còn cả trong lúc chúng ta khó khăn.
Tôi xin nói về hai vấn đề như sau:
Thứ nhất, liên quan tới nguồn vốn tín dụng. Tôi khẳng định tín dụng cho bất động sản đã nhiều, là một sự nỗ lực rất lớn của các ngân hàng trong thời gian vừa qua khi mà quy mô tín dụng cho bất động sản đã lên tới 20% trong tổng tín dụng cho nền kinh tế, cứ 5 đồng bỏ ra, đã có 1 đồng vào bất động sản. Cấp độ tăng tín dụng tăng tới 24%, tức là gần gấp đôi so với cấp độ chung tăng tín dụng cho nền kinh tế trong năm 2022. Như chúng ta đã nói, gần 70% vốn bất động sản là từ tín dụng.
Thứ hai, tôi cũng rất mừng nói với các anh chị rằng, xu hướng chung năm 2023 rất khả thi, có thể thực hiện được đó là lãi suất nói chung đối với bất động sản sẽ giảm.
Riêng về gói 120.000 tỷ, tôi khuyến nghị các doanh nghiệp bất động sản trước khi nói về câu chuyện đáo hạn trái phiếu, phát hành trái phiếu riêng lẻ,… cần cơ cấu lại hoạt động kinh doanh. Trên cơ sở tái cơ cấu hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp nên tái cơ cấu lại nguồn tài chính và sau đó mới bàn tới câu chuyện tái cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp. Trong tái cơ cấu hoạt động kinh doanh và tái cơ cấu nguồn tài chính các doanh nghiệp nên đưa khấu phần phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Đối với gói 120.000 tỷ này lãi suất sẽ không cố định, nó chỉ thấp hơn lãi suất thị trường. Như vậy bài toán kinh doanh của anh chị cần lưu ý.
Nếu chúng tập trung sang nhà ở xã hội rất cần chú ý bởi rất còn nhiều vấn đề phải xử lý để làm sao phát triển phân khúc này bền vững.
Nghị quyết 08 sẽ chỉ cho chúng ta một lối thoát trong vấn đề trái phiếu doanh nghiệp đến hạn đáo hạn và sắp đáo hạn quy mô vài trăm ngàn tỷ trong năm 2023 và 2024. Nhưng không giúp cho các doanh nghiệp bất động sản trong việc phát hành các trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ mới. Do đó, việc tái cơ cấu lại tài chính, trái phiếu doanh nghiệp đó là cơ hội cho chúng ta trong 2 năm có thể xử lý các khoản chúng ta đã vướng mắc, củng cố, xây dựng niềm tin cho các nhà đầu tư và thị trường doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Nhưng chưa có một nội dung nào giúp cho các doanh nghiệp bất động sản trong việc biến trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trở thành một kênh quan trọng, ổn định, bền vững bên cạnh những kênh tài chính của chúng ta hiện tại. Đây là một bài toán tôi rất mong các doanh nghiệp bất động sản sẽ chú ý. Tôi xin chia sẻ thêm với các anh chị doanh nghiệp bất động sản ở đây một điều rằng, cái gì không làm chúng ta gục ngã thì sẽ làm chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn. Vậy nên, tôi hy vọng và xin chúc các doanh nghiệp sẽ vượt qua khó khăn và phát triển hơn.
TS. Nguyễn Minh Phong: Rất cảm ơn TS. Vũ Đình Ánh với những lời chia sẻ rất chi tiết, những lời phê bình tuy nghiêm khắc nhưng cũng rất chí lý. Tiếp theo, xin mời PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh phát biểu.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Xin cảm ơn Ban tổ chức đã có nhã ý cho tôi thời gian phát biểu!
Trước hết, nói đến những khó khăn của doanh nghiệp trong năm 2023 thì các chuyên gia khác cũng đã chia sẻ rất nhiều và chúng ta cũng đều đã nhận thấy. Vậy nhưng nếu nhìn lại, nguyên nhân sâu xa của những khó khăn này đã xuất phát từ năm 2020, khi giá bất động sản tăng.
Có một số phân khúc khi giá lên cao đã ảnh hưởng chung đến bất động sản. Do đó tái cấu trúc thị trường là câu chuyện đương nhiên phải diễn ra. Chưa kể trong cùng lúc đó, chúng ta phải tái cấu trúc cả một thị trường cũng tương đối rủi ro, đó chính là thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh mẽ thì vốn hóa doanh nghiệp cũng giảm, từ đó khả năng vay nợ của doanh nghiệp cũng giảm theo.
Kết thúc năm 2022, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản cao gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng tín dụng của cả nền kinh tế. Trong nhiều năm, tỷ trọng cho vay bất động sản luôn cao nhất trong nền kinh tế, chiếm từ 19 - 21%. Tài sản doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng. Bây giờ, doanh nghiệp muốn phát hành cổ phiếu bổ sung cũng cực kỳ khó, mà ngay cả nếu phát hành ra thì có bán được hay không cũng là vấn đề.
Quý đầu tiên trong năm đã sắp đi qua hết nhưng chúng ta gần như không phát hành được. Vấn đề bây giờ là ai cứu thị trường? Cứu như thế nào? Cái chính vẫn là phải tự cứu mình thôi.
Chính phủ đã có nhiều hành động cụ thể, đưa ra chính sách nhằm giải quyết vấn đề trái phiếu đến thời điểm đáo hạn trong khoảng thời gian 2023 - 2024. Đơn cử như giúp doanh nghiệp có thể đàm phán với trái chủ để đẩy lùi thời gian đáo hạn, hoán đổi nợ trái phiếu sang tài sản khác… Thực ra các vấn đề này nhiều doanh nghiệp cũng đã và đang làm, nhưng với Nghị quyết 08, hành lang pháp lý đã được thiết lập để bảo vệ quyền lợi cho cả đôi bên.
Ngoài ra, còn có một điều giúp thị trường trái phiếu có thể “ấm” lên là quy định xác định tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp. Trước đây, Nghị định 65 đã quy định rất chặt chẽ về điều này. Vậy nhưng với Nghị định 08 như hiện giờ, nhà đầu tư không cần phải bắt buộc đáp ứng đủ các quy định, tạo điều kiện giúp gia tăng lượng lớn người mua có thể tham gia thị trường. Tuy nhiên, “ấm” thế nào còn phải tùy thuộc vào diễn biến thị trường và niềm tin từ nhà đầu tư.
Chính các doanh nghiệp phải tự nỗ lực để có được niềm tin đó, với các hành động cụ thể như trả lãi vay đúng hạn cho trái chủ bằng nhiều cách khác nhau và chủ động đàm phán với họ. Nghị đinh 08 chỉ cho lùi 2 năm, nhưng nếu trái chủ tin tưởng doanh nghiệp, họ sẵn sàng cho doanh nghiệp lùi 5 - 7 năm, thậm chí 10 năm. Luật pháp cũng ko hề cấm điều này.
Niềm tin là thứ cần tạo dựng trong thời gian dài, mong các doanh nghiệp cố gắng nỗ lực vượt qua cơn nguy khó chưa từng có như hiện nay.
Xin cảm ơn PGS. TS Đinh Trọng Thịnh. Như chuyên gia đã chia sẻ, có thể thấy vấn đề còn lại chính là uy tín của doanh nghiệp. Tiếp theo, xin giới thiệu ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu, Chủ tịch HĐQT GP Invest.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu, Chủ tịch HĐQT GP Invest: Ngành xây dựng có liên quan mật thiết tới ngành bất động sản do đó nếu bất động sản ốm thì doanh nghiệp xây dựng còn ốm nặng hơn.
Ở góc độ Hiệp hội Nhà thầu, tôi xin chia sẻ là những ngày vừa qua thường xuyên nhận được ý kiến của thành viên rằng, khách hàng đòi hỏi trả tiền bằng sản phẩm như nhà ở căn hộ vì không có tiền mặt để thanh toán cho khách hàng, như vậy ở góc độ Hiệp hội thì cần làm như thế nào?
Thực tế là chúng tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng trong một Hội nghị gần đây là cơ chế chuyển đổi thanh toán trả nợ như thế nào? Tại sao lại để doanh nghiệp nợ đến vậy?
Có thể nói từ tháng 6/2022 khi doanh nghiệp bất động sản sa sút nghiêm trọng khiến doanh nghiệp nhà thầu cũng gặp khó. Chúng tôi cho rằng có các nguyên nhân chính sau:
Thứ nhất, trái phiếu đến đúng hạn trả nợ vào năm 2022 - 2023 với một lượng trái phiếu rất lớn, và vừa rồi niềm tin vào thị trường bị sụt giảm.
Vừa qua, Nghị định 08 ra đời khi thị trường đang ở mức “gay go”, chúng tôi cho rằng Nghị định này nhằm cứu thị trường khỏi sự sụp đổ chứ chưa thể cứu được toàn bộ thị trường trái phiếu và niềm tin vào thị trường.
Do đó, chúng tôi muốn kiến nghị, để phát hành trái phiếu thì phải tính đến room phát hành, tính đến sức khỏe của doanh nghiệp.
Tôi cho rằng, doanh nghiệp cần phải biết lượng sức mình, nếu sức có thể gánh được 60kg thì chỉ cần cần gánh 40kg thôi mới có thể đi được đường dài. Đặc biệt với những khó khăn trên thị trường, doanh nghiệp cần phải tự cứu mình là tiết giảm lại kênh đầu tư, mức đầu tư sao cho phù hợp với sức khỏe của mình.

Thứ hai, tín dụng ngân hàng hiện nay vào bất động sản đã sụt giảm rất nhiều so với trước đây, bởi đã có những cảnh báo từ ngân hàng và thị trường. Do đó doanh nghiệp sẽ cân nhắc để vay tín dụng, thậm chí còn sợ vay.
Thứ ba, về pháp lý, dự thảo sửa đổi 3 luật tới đây không biết sẽ “cởi” hay “trói” lại doanh nghiệp.
Do đó, chúng tôi dự báo khó khăn của thị trường bất động sản sẽ còn kéo dài tới năm 2024.
Về góc độ doanh nghiệp, chúng tôi đang nỗ lực vượt khó, cố gắng giữ được tình trạng lành mạnh tài chính. Tôi tin rằng, từng doanh nghiệp cũng đã đang và sẽ có phương án tự cứu mình trong bối cảnh hiện tại.
TS. Nguyễn Minh Phong: Xin cảm ơn chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Hiệp. Sau đây xin mời ý kiến của PGS. TS Trần Kim Chung
PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Bằng giờ này năm 2003, thị trường cũng xuống đáy, sau đó có Nghị quyết 06/2004/NQ-CP về một số giải pháp phát triển lành mạnh thị trường bất động sản. Đó cũng là lần đầu chúng ta có nghị quyết về bất động sản.
Sau đó có Nghị quyết 02 cứu vãn tình thế cực khó khăn của bất động sản. Sau năm 2013, vốn chủ sở hữu hết rồi. Thời điểm này có 3 khó khăn là nguồn vốn hạn chế, pháp lý và cơ cấu thị trường. 2 điều chúng ta đang chờ đợi là nghị quyết của Chính phủ và sửa đổi 3 luật
Cứ 10 năm một lần, thị trường bất động sản trưởng thành hơn. Thị trường đã tài chính hóa thay vì tập trung hóa.
Về nguồn vốn bất động sản, nếu một con tàu mới khởi hành thì bắt buộc phải lên tàu thì mới tới được đích. Nhưng lên tàu phải có vé, hàng hòa đủ đúng quy định của toa tàu và quan trọng là phải dám bước lên.

Vậy thì chúng ta hành động như thế nào?
Nhà nước ban hành nghị quyết mới với thị trường bất động sản, gói 120.000 tỷ đồng chỉ là một trong số đó. Thị trường cần minh bạch, chính quy, chỉ số phải tính được.
Một điểm căn bản của thị trường bất động sản cần hướng tới là mọi giao dịch phải chính quy hóa, trừ những giao dịch mang tính cá nhân. Mọi giao dịch của doanh nghiệp bất động sản phải thông qua sàn. 3 luật phải ra đời đồng bộ, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển thị trường minh bạch.
Đối với các doanh nghiệp, muốn lên tàu thì phải mua vé, phải biết bỏ đi những thứ rườm rà, gây cản trở. Phải tin tưởng giai đoạn tới khốc liệt hơn nhưng thành công cũng cao hơn.
Về truyền thông, đây là thời điểm chuyển tiếp. Thị trường phải được nhìn nhận đúng cái gì tích cực, tiêu cực. Thị trường bất động sản luôn có vấn đề nhưng có triển vọng. Truyền thông cần phải nói đúng những gì nó có.
TS. Nguyễn Minh Phong: Xin cảm ơn ông Nguyễn Kim Chung. Xin mời ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch thường trực 2 Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng phát biểu

Ông Đỗ Viết Chiến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam: Có thể nói trong không khí ấm áp của mùa xuân còn chút hơi lạnh của mùa đông nhưng hội trường đã nóng ngay từ phút đầu tiên. Bởi vì chúng ta đã chạm vào một vấn đề nóng của thị trường, đó là tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản.
Con số 65% hay 70% vướng mắc pháp lý hiện nay đều là con số lớn. Nói đến thể chế là nói đến vai trò của Nhà nước, mà trước hết là vai trò dẫn dắt, tạo ra sân chơi cho doanh nghiệp và căn cứ vào đó, Nhà nước thể hiện vai trò kiểm tra, giám sát.
Từ sáng chúng đã nghe các chuyên gia đầu ngành nói đến các vấn đề vướng mắc, phần nào nói lên bức tranh tổng thể của thị trường bất động sản năm 2022 và tiếp tục định hướng sang năm 2023.
Tình trạng khó khăn có lẽ còn tiếp tục kéo dài một thời gian nữa. Sở dĩ như vậy là vì hiện nay Chính phủ đang tập trung xử lý để có thể trình Quốc hội Nghị quyết về ba luật liên quan rất thiết thực đến thị trường bất động sản là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, cùng thông qua tại kỳ họp thứ VI. Nếu không có vấn đề gì, 6 tháng sau các luật này sẽ có hiệu lực. Liệu trong thời gian đó, các cơ quan chức năng có kịp thời ban hành các nghị định, thông tư để hướng dẫn, nhằm đưa luật vào thực tiễn? Vậy nên chúng ta phải xác định đây là việc lâu dài chứ không thể xong ngay.
Tuy nhiên, Chính phủ đang rất tích cực tháo gỡ cho thị trường BĐS. Trong ba ngày liên tiếp, CP đã ban hành ba công điện, và các công điện tiếp theo cũng nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong đó có vấn đề vốn, tín dụng. Chính phủ cũng thành lập tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng để tháo gỡ quyết liệt cho thị trường. Nhưng ngay cả tổ công tác đặc biệt cũng chưa đủ quyền hạn để giải quyết bởi phải đối mặt với những vấn đề vượt thẩm quyền liên quan đến quy định của pháp luật.
Có lẽ tổ công tác phải có quyền hạn nhất định hơn nữa, đặc biệt phải làm việc trực tiếp với doanh nghiệp ở các vùng miền. Đây cũng là khó khăn của Tổ công tác.
Nhưng trên hết chúng ta phải có niềm tin ở tương lai. Chúng ta tin vào quy luật phát triển của thị trường bất động sản sẽ phải có lúc đi lên, có lúc đi xuống và ngay trong lúc đi xuống cũng có những điểm sáng. Sự kiện vinh danh hôm nay là để vinh danh những điểm sáng ấy và để chúng ta giữ lại niềm tin đối với ngành kinh doanh bất động sản.
Hơn lúc nào hết, Chính phủ phải đồng hành cùng doanh nghiệp, chia sẻ khó khăn, hài hòa lợi ích. Tự thân doanh nghiệp cũng phải bắt đầu cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với điều kiện của thị trường và doanh nghiệp. Đặc biệt trong năm 2003, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, khu công nghiệp, nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn là phân khúc có nhu cầu lớn. Phát triển được phân khúc này, chắc chắn chúng ta sẽ giải quyết được bài toán đầu ra.
Như vậy, Chính phủ đã có những bước đi ngắn hạn và cả bước đi dài hạn để tháo gỡ khó khăn cho bất động sản sau cuộc họp ngày 17/2 vừa rồi. Có Nghị quyết sau cuộc họp này, chúng ta sẽ giảm bớt được khó khăn và cơ hội phục hồi thị trường sẽ ngày càng nhiều hơn.
Hiệp hội bất động sản Việt Nam xác định vai trò đồng hành cùng doanh nghiệp. Vừa qua, chúng tôi cũng đã làm việc với các địa phương, tiếp cận với các doanh nghiệp ở cả hai miền Bắc, Nam để nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp, kịp thời báo cáo để có hướng xử lý tháo gỡ.
Diễn đàn Mùa Xuân năm nay là nơi để vinh danh các doanh nghiệp đã vượt qua muôn vàn khó khăn trong năm qua, và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Xin cảm ơn các chuyên gia và doanh nghiệp đã có mặt hôm nay.
TS. Nguyễn Minh Phong tuyên bố kết thúc tọa đàm cấp cao và chuyển sang phần Vinh danh.